Món chay truyền thống ở Nhật Bản không quá nhiều, do đất nước này nổi tiếng với các món về cá & bò. Truyền thống ăn chay ở đây cũng không phổ biến như Việt Nam & các nước phương Tây. Tuy nhiên, với các gợi ý dưới đây, bạn có thể thử biến tấu mâm cơm cuối tuần chuẩn Nhật Bản chiêu đãi cả gia đình!
1. Sushi
Hàn Quốc có Kimbap, Nhật Bản có sushi. Sushi là một món cơm nắm hoặc cơm cuộn, dùng ngay sau khi vừa được dọn ra, và ăn kèm với nước tương, wasabi và gừng ngâm chua. Khi dùng nên cho cả miếng vào miệng để cảm nhận trọn vẹn hương vị trong từng miếng. Cái vị là lạ của cơm trộn dấm, vị ngầy ngậy và mát của nguyên liệu cùng vị cay nồng của wasabi xông lên mũi. Món ăn này có thể coi là biểu tượng của đất nước Nhật Bản!
Nguyên liệu
- 5 lon gạo, gạo Nhật thì càng tốt
- 150 ml giấm sushi
- Các loại củ quả, đậu hũ tùy thích
- 2 thìa canh nước tương Nhật
- 2 thìa canh rượu ngọt mirin
- 2 thìa canh rượu trắng
- 1 thìa cafe đường
- trứng, dưa leo, rau mầm, rong biển, hành lá, lá tía tô Nhật
Thực hiện
- Nấu cơm như bình thường. Sau đó, cho ra thố gỗ xới đều cơm.
- Vừa xới cơm, vừa rưới đều giấm sushi lên cơm. Bạn có thể vừa xới vừa quạt cho cơm nguội và sáng bóng.
- Các loại củ quả hoặc đậu hũ bạn thái lát mỏng.
- Dùng màng bọc thực phẩm, để 1 – 2 miếng rau, rong biển hoặc đậu rồi thêm 1 thìa cơm, cuốn chặt lại và vo viên.
- Hoặc bạn có thể làm sushi cuộn giống như cách làm Kimbap.
- Như vậy là bạn đã có những miếng sushi vừa ngon, vừa đẹp mắt.
2. Mì Udon – món chay truyền thống Nhật Bản
Điểm nhấn của mì udon là nước dùng ngọt thanh mát và những sợi mì vuông cạnh dẹt, có màu trắng ngà, bóng mượt, dai giòn được làm từ bột lúa mì; và sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ quan món ăn phải thử khi đến Nhật này.
Món mì này gắn liền với hòn đảo Takamatsu, một trong 4 hòn đảo chính của Nhật bản. Và mì udon chính là một trong những “chiêu bài” hút khách và giúp nâng lượng du khách ghé thăm đảo của nơi đây.
Nguyên liệu
- Mì Udon 320 gr
- Nấm đông cô 100 gr
- Cà rốt 50 gr
- Đậu Hà Lan 50 gr
- Hành boa rô 1 cây
- Ớt bột 5 gr
- Nước tương 15 ml
- Hạt nêm chay 15 gr
- Dầu olive 2 muỗng canh
- Tiêu 3 gr
- Rong biển 2 lá
- Nước dùng rau củ
- Cà rốt 1 củ
- Hành tây 1 củ
- Cần tây 100 gr
- Nguyệt quế 2 lá
- Xạ hương 6 nhánh
Thực hiện
- Đầu tiên ta tiến hành nấu nước dùng cho món chay truyền thống này. Cắt nhỏ các loại rau củ gồm 1 củ cà rốt, 1 củ hành tây, 100gr cần tây.
- Bắc nồi nóng, rót vào 2 muỗng canh dầu olive, cho các loại rau củ đã cắt vào cùng với 2 lá nguyệt quế (bayleaf), 6 nhánh cỏ xạ hương (thyme). Xào rau củ với dầu olive 5 phút cho rau củ mềm, chế 1.5 lít nước lọc vào hầm 1 tiếng, sau đó lọc bỏ rau củ chỉ lấy phần nước dùng.
- Đun sôi nước dùng rau củ, nêm nếm với 15gr hạt nêm, 15ml nước tương, 5gr bột ớt, 3gr tiêu.
- Thêm cà rốt vào nấu 2 phút, thêm nấm đông cô, đậu Hà Lan vào. Đợi nước sôi thì tắt bếp.
- 100gr nấm đông cô cắt bỏ chân, tỉa hoa, ngâm 2 loại nấm vào nước muối loãng để khử mùi. 50gr cà rốt gọt vỏ, cắt lát. 50gr đậu Hà Lan nhặt bỏ hạt vàng nếu có, rửa sạch.
- Nếu muốn món mì đa dạng hơn thì bạn có thể chiên thêm tempura rau củ và xào thêm các loại tôm chay, thịt bò chay cho món ăn thêm bắt mắt.
- Mì udon dùng nóng là ngon nhất. Trước khi ăn trụng mì qua nước sôi, gắp mì ra tô, múc nước vào tô mì, rắc hành boa rô, rong biển khô và thưởng thức.
3. Mì Soba
Sợi mì soba dài và dai, có màu nâu sẫm, được làm bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mỳ, nhào nặn và cắt thành từng sợi nhỏ. Cũng như mì Udon, mì Soba có thể ăn nóng hoặc lạnh. Mì soba ăn lạnh được chấm với nước tương, củ cải mài, rong biển, mù tạt và hành lá. Người Nhật Bản ăn mì Soba trong tết truyền thống theo Dương lịch. Cùng khám phá công thức món chay truyền thống Mì Soba nhé!
Nguyên liệu
- 100 gr mì soba, làm từ bột kiều mạch và bột mì
- 1 củ cà rốt vừa, cắt miếng vừa ăn
- 1 củ ngưu bàng dài 15cm, cắt miếng vừa ăn
- 6 nhánh đậu Hà Lan
- 1 trái mơ muối
- 3 nấm đông cô khô, ngâm mềm
- 1 muỗng canh tương đặc miso
Thực hiện
- Luộc chín mì soba trong nước khoảng 7-10’. Vớt ra để ráo.
- Nấu cà rốt, ngưu bàng, nấm đông cô và mơ muối khoảng 15 phút cho mềm và ngọt nước.
- Cho thêm đậu Hà Lan vào nấu thêm khoảng 2 phút. Nêm vài hạt muối.
- Nghiền tương miso với ít nước. Vặn nhỏ lửa nồi nước dùng, cho tương vào nấu thêm 1 phút tắt bếp.
- Dọn mì và nước súp ra vaf thưởng thức!
- Bạn có thể dùng nước tương Nhật (shoyu/tamari) thay thế tương đặc miso.
4. Mì Ramen – món chay truyền thống Nhật Bản
Người Nhật có ba loại mỳ gồm soba là loại mỳ sợi nhỏ, udon là loại mỳ sợi to làm bằng bột lúa mạch ba góc. Tuy nhiên ramen mới là loại mỳ nổi tiếng nhất, được làm theo kiểu Trung Quốc luôn được ăn với nước dùng nóng và các loại đồ ăn kèm.
Đối với người Nhật, mỳ ramen gắn liền với lịch sử của đất nước họ. Nó là món ăn của người nghèo và của thời buổi khan hiếm. Nó cũng đã nuôi sống nhiều thế hệ sinh viên túng tiền. Ngay cả hiện nay, nếu ta hỏi một đứa bé muốn ăn gì, thì câu trả lời sẽ thường là: mỳ ramen. Dưới đây là một chút biến tấu cho món chay truyền thống: mì Ramen
Nguyên liệu
- Nước dùng chay 2 chén
- Nước 2 chén
- Mì ramen 2 vắt
- Tương Miso 5 muỗng canh
- Măng tươi 85 gr
- Cải ngồng 4 nhánh
- Nước tương 1 muỗng canh
- Rong biển 1 lá
- Đậu hũ chiên 115 gr
- Dầu mè 1 muỗng cà phê
- Muối 1/2 muỗng cà phê
- Hành lá băm 2 muỗng cà phê
Thực hiện
- Chuẩn bị nguyên liệu. Măng tươi và rong biển cắt nhỏ. Cải ngồng rửa sạch. Hành lá thái nhỏ.
- Cho nước dùng và nước đun sôi. Thêm mì ramen và măng vào. Nấu trong 3 phút cho đến khi mì ramen chín.
- Thêm cải ngồng và nấu thêm 1 phút. Tắt lửa, thêm các nguyên liệu gia vị còn lại vào đảo đều.
- Vậy là hoàn thành rồi đấy. Thật đơn giản đúng không nào.
5. Tempura rau củ
Tempura là tên chung để chỉ các món ăn được nhúng bột chiên giòn của Nhật – một trong những món ăn phải thử khi đến Nhật.
Tempura rau củ có thể nói là món ăn điển hình của xứ sở mặt trời mọc. Vì chiên trong dầu nên người Nhật thường sử dụng các loại rau củ với mục đích nhằm cân bằng độ béo và không gây ngán cho thực khách. Tempura mang hương vị thơm, bắt miệng nên là một trong những món ăn đặc sản Nhật Bản vô cùng được ưa chuộng.
Nguyên liệu
- Rau củ yêu thích: khoai lang, cà tím, đậu bắp, nấm, cà rốt, củ sen
- 250gr Bột mì (làm bột nước)
- 500ml Nước lạnh
- 100gr Bột mì (làm bột khô)
- Gia vị: muối, tiêu
- Dầu ăn
Thực hiện
- Chuẩn bị rau củ:
- Cà tím cắt miếng dày khoảng 1cm, ngâm vào nước để không bị đen.
- Khoai lang, củ sen gọt vỏ, cắt miếng dày khoảng 1cm, ngâm vào nước.
- Cà rốt gọt vỏ, cắt thành thanh dài cỡ ngón tay.
- Nấm cắt bỏ gốc.
Làm bột tempura:
- Cho nước lạnh, một tí muối và tiêu vào âu to, đánh tan.
- Cho ½ bột mì vào, khuấy đều cho tan, sau đó cho tiếp ½ bột mì còn lại vào, khuấy nhẹ nhàng. Sau đó cho bột vào tủ lạnh.
- Đun nóng dầu ăn trong chảo.
- Cho rau củ áo một lớp bột mì khô.
- Lấy bột nước ra khỏi tủ lạnh, tiến hành chiên
- Dùng tay lấy bột nước, rưới vào chảo dầu để tạo những vụn bột.
- Chờ vài giây đến khi bột nổi lên trên mặt dầu.
- Lấy miếng rau củ nhúng qua bột nước, rồi đặt lên vụn bột nổi trên mặt dầu.
- Chờ khoáng 1 phút rồi trở mặt, tiếp tục chiên vàng 2 mặt rồi vớt ra giấy thấm dầu.
- Dọn ra dùng nóng. Bạn có thể dùng món này ăn kèm với các loại mì, rất hấp dẫn. Lớp bột giòn rụm, không quá dày lại giữ được rất lâu mà không bị mềm.
6. Tofu Tonkatsu
Tonkatsu ra đời vào cuối thế kỷ 19 và là một món ăn phổ biến tại Nhật Bản. Tofu Tonkatsu là món chay được yêu thích. Nguyên liệu bao gồm một gói bột chiên, đậu phụ dày từ một đến hai centimet và được thái thành những miếng vừa ăn, thường được ăn kèm với bắp cải và súp miso. Đậu phụ sẽ được ướp muối, tiêu và được rắc nhẹ một lớp bột mì, sau đó ta nhúng vào bột ướt và tẩm bột chiên xù trước khi cho vào rán. Xem thêm: 19 món chay lạ miệng từ đậu phụ
Nguyên liệu
- 2 miếng đậu phụ
- Một chút bột mì đa dụng và bột chiên xù.
- Muối và hạt tiêu
- Dầu ăn
- Bắp cải bào
- Xốt tonkatsu
Thực hiện
- Rắc 1 chút muối và tiêu vào 2 mặt miếng đậu, xoa đều và để 5-10 phút cho ngấm.
- Lăn miếng đậu vào bát bột mì, lăn xong thì vỗ vỗ nhẹ cho bột rơi bớt xuống
- Tiếp tục lăn miếng đậu qua bát bột ướt.
- Cuối cùng lăn miếng đâu vào bột chiên xù sao cho bột bám chặt vào các mặt miếng đậu.
- Thả đậu vào chảo đã làm nóng ngập dầu và chiên từ 5 – 8 phút, nhớ lật trong khi chiên cho chín đều. Đến khi đậu chuyển sang màu vàng đậm là được.
- Vớt đậu ra, để lên khay cho ráo bớt dầu.
- Khi đậu nguội hơn 1 chút thì cắt thành miếng dọc, đặt vào đĩa đã để sẵn bắp cải bào, rưới xốt tonkatsu lên các miếng đậu.
- Món đậu phụ chiên xù tonkatsu này có thể ăn kèm với cơm nóng và canh miso hay cơm Kare Raisu rất ngon.
Xem thêm: 4 gợi ý cho hộp cơm trưa thuần chay ngon hết ý từ kênh Món chay ngon
7. Karei Raisu
Cơm cà ri, tiếng Nhật gọi là karei raisu hay đơn giản là karei là một món ăn hàng ngày rất được yêu thích tại Nhật. Khác với món cà ri của Ấn Độ, cà ri của Nhật thường ngọt, ít cay, đặc và sánh hơn. Cơm cà ri của Nhật không chỉ có nước sốt mà còn có nhiều loại topping (các đồ ăn kèm đặt bên trên đĩa cà ri).
Nếu bạn cảm thấy không hợp với cà ri Ấn quá đậm đặc gia vị thì công thức cà ri Nhật này sẽ dành cho bạn.
Nguyên liệu
- 1 củ hành tây
- 1 củ cà rốt
- 2 củ khoai tây
- 100g đậu Hà Lan
- 12/ củ tỏi (băm nhuyễn)
- Gia vị cà ri Nhật: 45g bơ lạt, 60g bột mì, 15g gia vị garam masala, 15g bột cà ri, 5g ớt bột
Để tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể dùng viên gia vị cà ri Nhật mua sẵn ở cửa hàng. Cùng đến với cách thực hiện món chay ngon truyền thống Nhật Bản này nhé:
Thực hiện
- Đầu tiên, bạn sơ chế các nguyên liệu: bóc vỏ hành tây, gọt vỏ khoai tây và cà rốt, sau đó cắt thành miếng vừa ăn.
- Nếu muốn tự làm gia vị cà ri, bạn đun chảy bơ ra, sau đó cho bột mì vào. Bạn tiếp tục đun trong khoảng 20′ cho đến khi hỗn hợp chuyển màu nâu thì thêm ớt bột, bột cà ri và garam masala vào. Đảo đều trong khoảng 30s hoặc 1′ rồi tắt bếp.
- Vị cà ri của Nhật không quá nồng như của Ấn, cũng không cay nhiều như của Thái.
- Trong nồi dầu nóng, bạn cho tỏi, hành tây vào đảo đều cho đến khi miếng hành hơi trong lại.
- Thêm cà rốt và khoai tây vào, đảo đều trong khoảng 30s. Đổ một tô nước vào, cho xâm xấp rau củ là được. Đậy nắp lại rồi đun ở lửa nhỏ.
- Khi khoai và cà rốt đã mềm (bạn dùng dĩa để xiên thử), bạn cho 2 thìa gia vị cà ri vào nồi.
- Khuấy đều cho viên gia vị tan hẳn. Đậy nắp và tiếp tục đun trong 5-10’ để nước cạn bớt và sánh lại. Cứ thỉnh thoảng bạn lại mở nắp đảo đều để hỗn hợp đun không bị cháy nhé!
- Thêm đậu Hà Lan để món cà ri thêm bắt mắt, sau đó đun thêm trong khoảng 1’ nữa là được.
- Bạn tắt bếp, múc cà ri ra đĩa, ăn kèm với cơm nóng.
8. Bánh cá Taiyaki
Nguyên liệu
- 150gr Bột làm bánh
- 30gr Bơ thực vật nấu chảy
- 1 muỗng cà phê bột nở
- 1 muỗng cà phê bột baking soda
- 300 ml nước
- 3 muỗng canh đường 100gr đậu đỏ đã nghiền (Bạn có thể mua sẵn ở siêu thị nhé)
- 1 muỗng canh dầu ăn
- Khuôn bánh hình con cá
Thực hiện
- Trộn đều hỗn hợp khô bột làm bánh, bột nở, banking soda với nhau, rây mịn, cho đường vào tiếp tục trộn đều
- Hòa tan đường vào 300ml nước rồi cho vào hỗn hợp bột đã trộn ở trên. Tiếp túc cho bơ vào, trộn đều khi thấy hỗn hợp đã mịn, cho vào tủ lạnh khoảng từ 1h trở lên
- Nếu các bạn không mua được đậu đỏ đã nghiền thì có thể tự làm nhân theo cách sau:
- Đậu đỏ đem ngâm nước từ 8-12h, bạn nên ngâm vào đê tối trước ngày làm bánh nhé, rửa sạch, luộc đến khi đậu đã mềm thì tắt bếp
- Cho đường, 1 ít muối vào đậu, nghiền nhuyễn và nếm độ ngọt vừa miệng. Là đã xong phần nhân rồi đó
- Làm nóng khuôn, cho vào khuôn 1 lớp mỏng dầu ăn, cho bột vào ngập khoảng nửa khuôn, cho nhân đậu đã chuẩn bị vào (ngoài ra các bạn có thể thay nhân đậu bằng socola cũng rất tuyệt vời luôn đấy)
- Cho tiếp bột vào ngập khuôn phủ kín lớp nhân,đậy nắp lại, để tầm 3-4p rồi lật lại. Bánh vàng đều là đã có thể thưởng thức.
9. Wagashi
Wagashi là từ dùng để chỉ các loại bánh ngọt của Nhật Bản. Mochi chính là một loại wagashi nổi tiếng của Nhật Bản.
Có thể nói Nhật Bản là thiên đường bánh ngọt, bởi không chỉ mang hương vị thơm ngon chúng còn được chăm chút cho vẻ ngoài thật sự tinh tế, thoáng nhìn như những nàng tiên trên mâm ẩm thực. Một trong số đó chính là wagashi – các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cực cao. Chúng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng cả nét đẹp văn hóa, những câu chuyện lịch sử và tình yêu của người Nhật dành cho thiên nhiên.
Nguyên liệu
- 30g bột galetin (bột thạch rau câu)
- 2-3 củ khoai tây
- 1 củ khoai lang tím
- 40g đường kính
- Khuôn bánh hình hoa lá
Thực hiện
- Đun sôi nước đường, đảo đều tay để tránh cho đường bị cháy sẽ làm mất đi vị ngon của bánh.
- Luộc chín khoai tây và khoai lang. Nghiền nát khoai lang tím rồi lọc lấy nước làm màu cho bánh.
- Tiếp theo, hòa bột galetin với nước lạnh với 3/4 khoai tây nghiền nát và nước khoai lang tím rồi đun sôi hỗn hợp.
- Đổ hỗn hợp vào 1/3 khuôn.
- Đun nóng phần khoai tây còn lại vào nước đường ở bước 1, đảo đều tay đến khi khoai đặc quánh lại là được.
- Đổ tiếp vào khuôn, để nguội và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Thế là chúng ta đã hoàn thành rồi.
10. Okonomiyaki
Đây là một món ăn quen thuộc, cũng là một món ăn truyền thống lâu đời có nguồn gốc từ Osaka, được xem là pizza của người Nhật. Bạn có thể dễ dàng được thưởng thức món này ở các quán ăn của Nhật bản, tuy nhiên món Okonomiyaki ngon nhất và nổi tiếng nhất thì phải kể đến Okonomiyaki ở Hiroshima.
Điều khiến cho món bánh xèo ở đây khác biệt hơn với những vùng khác chính là các nguyên liệu của nó không được trộn lại và áp chảo, mà gồm có 2 lớp: lớp bột trên – dưới và lớp nhân bánh ở giữa. Nghe thoáng qua nó có vẻ giống một loại bánh kẹp chiên, nhưng về cơ bản nó vẫn là món bánh xèo truyền thống của Nhật bản. Xem thêm: bánh nhân chay hấp dẫn tại nhà
Và dĩ nhiên, khi ăn món bánh xèo đặc trưng này, bạn không thể thiếu nước sốt Okonomi, một ít mayonnaise beo béo và hành lá.
Nguyên liệu
- 1 bịch bột bánh Okonomiyaki 200gr (mua tại các siêu thị Nhật)
- 200-220 ml nước
- 200gr bắp cải
- 200gr nấm đùi gà hoặc nấm rơm
- 50gr gừng đỏ ngâm giấm
- Hành lá, bột nêm
- Sốt Okonomiyaki, Sốt mayonnaise chay
Thực hiện
- Bắp cải rửa sạch, xắt sợi mỏng.
- Nấm thái lát mỏng.
- Xắt nhỏ gừng đỏ và hành lá.
- Trộn chung bột, nước vào thố, sau đó cho nấm, bắp cải, gừng và hành lá vào, trộn đều. Vì trong bịch bột đã có gia vị nên không cần nêm thêm gia vị nữa.
- Bắt chảo không dính lên bếp, tráng 1 ít dầu ăn vào chảo. Đổ bột vào chảo, sau 5 phút bánh vàng 1 mặt thì lật mặt bên kia xuống chiên thêm 3 phút nữa.
- Chiên tuần tự cho hết lượng bột đã trộn.
- Bánh chín, cho ra dĩa, tưới sốt okonomiyaki và sốt mayonnaise lên là có thể dùng được.
- Trên đây là công thức 10 món chay ngon truyền thống của Nhật Bản mà bạn có thể tự tay làm ở nhà. Chúc bạn thực hiện thành công những món ăn này!