Tháng tư này là một tháng thật đặc biệt đối với mỗi người con tăng ni phật tử, tháng của một ngày lễ vô cùng quan trọng – Đại lễ Phật Đản. Tuy vậy, đối với những người không theo Đạo Phật có thể sẽ ít tìm hiểu về nguồn gốc ngày đại lễ Phật Đản. Trong bài viết dưới đây, Hapi đi về với nguồn cội và giới thiệu cho độc giả về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ lớn này.
Lễ Phật Đản là gì?
Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn của nhà Phật bên cạnh lễ Vu Lan báo hiếu (15/07 L) và lễ Phật Thành Đạo (08/12 L), đây là ngày lễ kỷ niệm Đức Phật ra đời.
Theo lịch sử của Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca lúc nhỏ là Thái Tử Tất Đạt Đa, đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ, hiện nay là vùng đất Nepal. Ngài là con của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia, từ nhỏ sống trong hoàng cung. Lớn lên, ngài tuân theo vua cha lập gia đình với công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sinh Thái tử La Hầu La. Trong những chuyến vi hành vào bên trong nhân gian, ngài chứng kiến tất cả những cảnh sinh, lão, bệnh, tử, những nỗi khổ, niềm đau đớn của thế gian. Từ đó mà trong tâm niệm, vị Thái tử lúc đó luôn trăn trở muốn tìm được một phương cứu độ chúng sanh thoát khỏi trần gian khổ ải này. Bởi thế, ngài quyết định rời cung, quyết chí tìm được chân lý để cứu độ.
Nhiều năm tu khổ hạnh, đặc biệt sau 49 ngày đêm ngồi thiền không nghỉ dưới gốc cây bồ đề, không màng xung quanh, tâm trí thanh tịnh, Ngài thật sự giác ngộ, tìm được con đường để giải thoát khỏi nỗi khổ trần gian, thành Phật, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đức Phật ròng rã trong suốt 50 năm đi khắp nơi thuyết giảng những tinh túy được giác ngộ, cứu rỗi chúng sinh khỏi bể khổ của chính bản thân mình. Cuối cùng, năm 80 tuổi, Đức Phật thị tịch, nhập Niết bàn tại khu rừng ta la song thọ.
Nguồn gốc ngày lễ Phật Đản
Trước đây đã có sự khác biệt trong việc tổ chức ngày lễ Phật Đản giữa hai trường phái Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu Thừa. Theo lịch cổ của Ấn Độ, Thái tử Tất Đạt Đa sinh vào ngày 15 tháng tư m lịch năm 624 TCN. Một điều đặc biệt hơn, theo lịch này thì ngày trăng tròn tháng Vesak (Lễ Phật Đản theo tiếng Pali) là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày mà ngài thành đạo và đồng thời là ngày Đức Phật nhập niết bàn. Sự trùng hợp này thật sự đã tạo nên một điều đặc biệt và không thể thay thế. Các nước theo trường phái Phật giáo Tiểu thừa hay Phật giáo Nam truyền đã tổ chức ba lễ trong một ngày, được gọi là Đại lễ Tam hợp hay Đại lễ Vesak.
Đối với trường phái còn lại là Phật giáo Đại thừa hay còn gọi là Phật giáo Bắc truyền thì đã có một sự khác biệt. Bởi sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật sinh ra được đổi từ lịch cổ Ấn Độ sang lịch Trung Hoa, tức là ngày 8 tháng tư m lịch. Chính thế mà các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thường tổ chức Đại lễ Phật Đản vào ngày 8 tháng tư âm lịch hằng năm. Việt Nam ta cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo Trung Hoa, bởi vậy cũng tổ chức vào ngày này.
Vậy nguồn gốc ngày đại lễ Phật Đản hiện nay là gì?
Sự khác biệt này đã được giải quyết tại Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ nhất tại Colombia từ ngày 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950. Tại Đại hội này, sau nhiều thảo luận, đại diện của 26 nước tham gia đã thống nhất chọn ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm để tổ chức Đại lễ Phật Đản.
Vào ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak hay Đại lễ Phật Đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế. Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hằng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Ý nghĩa của Đại lễ Phật Đản
Đại lễ Phật Đản là dịp để phật tử tứ phương toàn tâm toàn ý, thành kính hướng về với Phật Tổ từ bi, hỷ xả, người đã khai sinh ra một tôn giáo đặc biệt với mong muốn được cứu độ chúng sinh khỏi bể khổ đời người. Đây cũng là dịp để trút bỏ hết những muộn phiền, mệt mỏi để trở về với chùa với an yên và với tâm hồn bên trong của mỗi người con của Phật. Đức Phật dạy “Đời là bể khổ”, khổ có thể là khổ về thân xác nhưng cũng là khổ ở tâm hồn. Tâm an thì mới sống được tốt, được khỏe mạnh và hạnh phúc.
Đại lễ Phật Đản là một ngày lễ lớn đối với riêng những người con cửa Phật nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Đối với những nước như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia,… thì đây vừa là một dịp lễ lớn vừa là một dịp nghỉ để có thể toàn tâm toàn ý hướng về Đức Phật từ bi. Tại Việt Nam, đây chưa phải là một dịp nghỉ lễ được công nhận chính thức, nhưng Đại lễ Vesak hay Đại lễ Phật Đản được cả người dân và chính phủ quan tâm sát sao. Việt Nam may mắn là nơi đăng cai tổ chức 3 kỳ Đại lễ Vesak vào năm 2008 tại Hà Nội, 2014 tại Chùa Bái Đính Ninh Bình và 2019 tại ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Việt Nam, chùa Tam Chúc, Hà Nam.
Xem thêm: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 – Hành trình kết nối
Ngày lễ Phật Đản còn là dịp để thúc đẩy các hoạt động tôn giáo được diễn ra một cách thuận lợi và phát triển hơn. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta đã ghi nhận nhiều vị vua, vị tướng vĩ đại được giác ngộ và hướng về với Phật Tổ mà đặc biệt có thể nhắc đến một vị vua, một vị Phật hoàng của riêng Việt Nam ta, Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là người khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Đại lễ Phật Đản năm nay có đôi phần đặc biệt bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp. Bởi vậy, để đảm bảo cho một mùa Đại lễ an lành và an toàn sức khỏe cho chính bạn và cộng đồng thì hãy thực hiện đúng những quy định của Bộ Y Tế đã khuyến cáo. Dù Covid, chúng ta vẫn có thể tổ chức được lễ tại gia, thích nghi chính là cách tốt nhất để tồn tại. Và Phật là ở trong tâm ta.
Chúc bạn và gia đình có một mùa Đại lễ Phật Đản an lành!
Theo dõi fanpage Hapi Vegan để cập nhật tin tức mới nhất
Tham gia Group Món chay ngon: cập nhật công thức món chay hàng tuần