Một mùa Phật Đản nữa lại đến, tăng ni phật tử tứ xứ một lòng muốn hướng về với Đức Phật, với sự an yên chốn thiền tịnh. Mùa Phật Đản năm nay có chút khác biệt, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức, tụ tập đông người. Tuy nhiên, thích nghi với tình hình dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể tự tổ chức lễ Phật Đản tại nhà, tham khảo những gợi ý của Hapi dưới đây để có một ngày Đại lễ trọn vẹn và an toàn ạ!
Ăn chay tại nhà – Ăn chay tại chùa
Ăn chay trong ngày Phật Đản là một điều không thể thiếu. Đối với những người không ăn chay trường thì đây cũng là một dịp để nấu nướng và thưởng thức những món chay ngon. Trước đây, người dân hoặc phật tử sẽ lên chùa phụ ngày lễ lớn và thưởng thức bữa cơm chay nhà chùa cùng các vị tăng ni, sư thầy. Không hiểu vì lý do gì nhưng có nhiều người cảm nhận được rằng cơm chay của sư thầy thì ngon hơn cơm chay nhà làm. Nhưng chắc một trong những lý do đó là vì nơi cửa Phật, chốn an yên thì tâm hồn thư thái, cơm ăn cũng thêm ngon.
Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp, Chính phủ chúng ta quy định không được tụ tập đông người, nhiều lễ hội lớn cũng đã bị hoãn lại hoặc tổ chức một cách tinh gọn. Vậy thì nếu không lên chùa, chúng ta cũng có thể chuẩn bị được một mâm cơm chay thật ngon để thưởng thức cùng gia đình và đón một mùa Vesak an lành.
Tham khảo thực đơn món chay cho ngày lễ Phật Đản tại đây nhé!
Vệ sinh nhà cửa, lau dọn bàn thờ – Lễ mộc dục tại chùa
Một trong những nghi thức quan trọng trong Đại lễ Phật Đản chính là lễ Mộc dục. Lễ mộc dục hay còn gọi là lễ tắm Phật là một nghi thức quan trọng trong ngày này, thường sẽ được tổ chức vào tối ngày 14 tháng 4 L, tức là tối trước ngày Phật đản chính thức. Việc tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh nhằm mục đích tái hiện hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh. Ngoài ra, nghi thức này cũng mang ý nghĩa cho sự tẩy trừ những phiền não trong cuộc sống, nhằm hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân – khẩu – ý ở con người.
Đối với những gia đình theo Đạo Phật và có điều kiện để đặt tượng Đức Phật tại nhà có thể tham khảo, học hỏi nghi lễ ở nhà chùa và tiến hành nghi thức này tại gia. Bên cạnh đó là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau dọn bàn thờ Phật. Điều này không chỉ mang ý nghĩa về thực tế mà cũng chính là “dọn sạch” những muộn phiền lo lắng và tắm mát lại cho tâm hồn mình.
Nghe thuyết giảng kinh phật – Nghe sư thầy giảng Pháp
Mỗi lần Phật Đản là một lần các chư vị phật tử bốn phương được cùng nhau hội ngộ để chia sẻ về chuyện Phật Pháp, chuyện tu hành cùng nhau, cũng là một lần được nghe sư thầy giảng giải kinh phật, giác ngộ thân tâm. Mỗi bài giảng là một bài học khác nhau về mọi điều trong cuộc sống như đạo đức trong cuộc sống, triết lý sống,…Không những thế, mỗi lần được nghe giảng cũng như một lần giữ cho tâm được tịnh rồi soi chiếu lại chính bản thân. Những lần soi chiếu đó chính để trút bỏ đi những lo nghĩ, đố kỵ, cái nghiệp mà bản thân tạo ra để giác ngộ và thu nạp những điều trân quý của nhà Phật.
Thích nghi với bối cảnh dịch bệnh, các ngôi chùa lớn đã xây dựng những kênh thông tin, mạng xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu của chúng phật tử, cũng để lan tỏa được tình yêu Phật Pháp đối với nhiều đối tượng hơn. Trên những kênh thông tin này có đầy đủ những nội dung cơ bản như: giới thiệu về chùa, thư viện ảnh, thư viện kinh thư,… có thể đáp ứng được nhu cầu tìm đọc của phật tử. Một số ngôi chùa triển khai hình thức này có thể kể đến như: Chùa Tam Chúc, chùa Quán Sứ,…
Đặc biệt hơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng xây dựng một nền tảng mạng xã hội riêng có tên là Butta. Đây chính là nơi dành riêng cho phật tử tứ phương có thể vừa giao lưu, vừa học hỏi, trao đổi về những kiến thức Phật Pháp, nắm bắt được thông tin mới nhất và đặc biệt là cũng có thể đăng ký tham gia những khóa tu cầu ăn trực tuyến. Thông qua đây dù ở bất kỳ đâu hay tình hình dịch bệnh thì mọi người cũng có thể gửi gắm được tấm lòng với nhà Phật.
Xem thêm: Mạng xã hội Phật giáo – Butta
Trang trí nhà cửa
Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ thì nếu có điều kiện phật tử cũng có thể trang hoàng lại một chút cho ngôi nhà trong ngày lễ lớn này bằng những vật dụng, chi tiết đơn giản. Một lọ hoa sen tươi tuyệt đẹp, thơm ngát vừa thanh lọc không khí vừa là một chi tiết trang trí phù hợp trong ngày lễ Phật Đản. Bên cạnh đó có thể treo thêm cờ đón mừng đại lễ tại nơi thờ Phật hoặc trước của nhà. Ngoài ra, nhiều gia đình còn in những hình ảnh hoa sen, những câu kinh Phật để treo hoặc dán lên tường, cửa để không khí được trọn vẹn hơn. Dù không thể lên chùa nhưng ở tại gia đình cũng có thể có được một ngày lễ trọn vẹn cùng với gia đình!
Giữ tâm an tịnh, cầu nguyện bình an
Nhưng, điều quan trọng nhất chính là giữ cho tâm hồn được thư thái và một sức khỏe thật tốt. Đức Phật đã dạy “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe”. Chính vì vậy, giữ gìn cho cơ thể khỏe mạnh luôn luôn là điều hàng đầu cần được quan tâm. Ngày Đại lễ không chỉ là ngày để hướng về Phật Tổ mà còn là ngày để chiêm nghiệm và soi chiếu lại bản thân. Một tâm hồn được bình yên và một sức khỏe bền bỉ sẽ là chìa khóa của sự thành công trong cuộc sống chứ không phải là bất kỳ điều gì phù phiếm sa hoa.
Trong ngày Phật Đản, chúng ta có thể dành thời gian để quây quần bên gia đình, cùng nghe thuyết giảng kinh Phật và cầu nguyện nhiều điều tốt đẹp, an lành đến với những người yêu thương. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho đất nước ta và thế giới này nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi được vi rút. Bên cạnh cầu nguyện, mọi người cũng luôn thực hiện thật tốt chỉ thị của Chính phủ và quy tắc 5K của Bộ Y Tế nhé!
Chúc bạn và gia đình có một ngày Đại lễ trọn vẹn và an toàn tại gia!
Theo dõi fanpage Hapi Vegan để cập nhật tin tức mới nhất
Tham gia Group Món chay ngon: cập nhật công thức món chay hàng tuần