Ẩm thực Thái Lan hấp dẫn du khách bởi hương vị chua cay đặc trưng. Nếu đến Thái Lan,bạn không thể bỏ qua những món ăn hấp dẫn này. Nếu không có cơ hội đến đây, cũng đừng buồn, bạn vẫn có thể thưởng thức những món ăn này ngay tại nhà. Cùng tham khảo những công thức dưới đây nhé!
1. Thai Suki – Lẩu Thái
Nguyên liệu
- 2 bìa đậu hũ chiên
- ½ thanh chả quế chay
- 2 trái cà chua
- 1 bịch nấm kim châm
- ½ chén ăn nấm hương
- 4 cây nấm đùi gà
- 2 cây boa rô
- ½ trái thơm
- Một ít rau muống và rau cải thảo để nhúng ăn kèm
- Gia vị: 2 muỗng ăn nước tương, 1 bịch gia vị nêm lẩu Thái chay, đường, hạt nêm chay, bún hoặc mì chay.
Thực hiện
Đậu hũ cắt miếng vuông nhỏ. Chả quế cắt thành từng miếng nhỏ. Cà chua bổ múi cau.
Nấm kim châm, nấm hương cắt chân. Nấm đùi gà bổ nhỏ. Boa rô bằm nhuyễn phần đầu trắng.
Thơm cắt miếng nhỏ. Rau muống và cải thảo cắt khúc vừa ăn.
Phi thơm hành tím và boa rô cho chín vàng, sau đó cho chả chay, nấm hương, nấm đùi gà, nấm kim châm vào xào chung. Đảo nhẹ tay các nguyên liệu trong khoảng 30 giây đến 1 phút rồi cho 1 muỗng nước tương và 1 ít hạt nêm vào xào để rau ngấm gia vị hơn và cũng nhanh chín hơn. Sau đó, trút toàn bộ các nguyên liệu vừa xào chín ra riêng.
Làm nóng dầu và phi thơm 1 ít boa rô khác, sau đó cho cà chua, thơm vào xào cho mềm và thơm. Thêm khoảng 1 lít nước vào nồi rồi cho bột gia vị nêm lẩu Thái chay vào.
Khi nước sôi, trút đĩa chả chay và các loại nấm đã xào ở bước 2 cùng đậu hũ chiên đã cắt nhỏ vào và chờ sôi lại lần nữa rồi chuyển nồi lẩu sang bếp ga mini hoặc bếp cồn, bếp điện. Lúc này, bạn để lửa nhỏ liu riu, vừa ăn vừa trụng rau, bún tươi hoặc mì chay tương tự như khi thưởng thức các món lẩu khác.
2. Tom Yum
Nguyên liệu
- 1 trái cà chua
- 1 trái chanh
- 3 cây sả
- 150 g đậu hũ chiên/đậu non
- 2 trái ớt
- 500 ml nước hầm rau củ nấu sẵn
- 100 ml nước cốt dừa nếu thích
- 150 g các loại nấm (bào ngư, yến, đùi gà, kim châm,…)
- 3 Lá chanh kariff (khô hoặc tươi đều được)
- 5 lát riềng
- Húng quế (Thai basil)
- Nước mắm chay
Thực hiện
Nước hầm rau củ chay: dùng các loại rau củ như củ cải, củ sắn (củ đậu), hành tây, thơm (dứa) cắt khúc hầm trong 30 phút, lược lấy nước trong. Đơn giản nữa mình mua nước dừa tươi về nấu với thơm xắt nhỏ xong lược đi là đủ ngon nhé!
Nấm các loại ngâm nước muối loãng 15 phút rửa sạch để ráo
Sả băm nhỏ 1 muỗng cà phê, còn lại xắt khúc. Bỏ phần xắt khúc đập dập vào nồi nước dùng nấu sôi.
Xào sả với dầu ăn cho thơm, bỏ riềng, ớt vô xào chung, trút vào nồi nước hầm rau củ, bỏ lá chanh vô đun lửa nhỏ khoảng 10p cho riềng và lá chanh ra mùi thơm.
Xem thêm: 21 Món chay ngon từ đậu phụ
Bỏ đậu hũ, nấm, cà chua cho sôi bùng rồi tắt bếp, nêm nếm gia vị, nước cốt chanh và cuối cùng là nêm 1 muỗng nước mắm chay cho dậy mùi thơm của canh
Trời mưa xì xụp tô canh chua cay thơm lừng còn gì bằng…
3. Gaeng Daeng – Cà ri đỏ Thái
Nguyên liệu
- Dầu ăn 1 muỗng canh
- Hành tây 1 củ
- Cà chua 1 trái
- Cà ri đỏ 3 muỗng canh
- Nước cốt dừa 1 1/4 chén
- Nước dùng 1 1/2 chén
- (Rau củ)
- Đậu hũ chiên 450 gr
- Đậu Hà Lan 1 chén
- Ớt chuông 1/2 trái
- Muối 1 muỗng cà phê
Thực hiện
Cà chua, ớt chuông, đậu Hà Lan, hành tây làm sạch và thái nhỏ.
Bắc chảo lên bếp. Đun nóng 2 muỗng canh dầu trong lửa vừa. Thêm hành tây và cà chua xắt nhỏ và xào trong 2-3 phút. Thêm bột cà ri đỏ và xào trong 1 phút nữa.
Thêm nước cốt dừa và nước dùng rau củ vào đun sôi. Cho đậu hũ vào, vặn lửa xuống mức vừa phải, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong 10 phút. Cuối cùng cho ớt chuông và đậu Hà Lan vào đun sôi thêm 3-4 phút nữa. Nêm muối cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Dọn cà ri ra dùng với cơm trắng, bún hay bánh mì đều ngon.
4. Gaeng Keow – Cà ri xanh Thái
Nguyên liệu
Phần cà ri paste:
- 2 cây sả
- 1 củ riềng cỡ ngón tay cái
- 2 nhánh tiêu xanh tươi hoặc 1 muỗng cà phê tiêu hột
- 4-6 trái ớt xanh tùy ăn cay nhiều hay ít
- 8 lá chanh Thái
- 1 muỗng canh hạt ngò khô (coriander seeds)
- 2 muỗng canh nước mắm chay
- Một nhúm rau ngò rí cỡ 8-10 cây
Phần phụ phẩm nấu cà ri:
- Tùy rau củ nào mình thấy thích, ví dụ: bông cải xanh, bắp non, khoai môn, bí đỏ, củ năng, cà tím…
- Lần này nấu với bí đỏ, cà tím và trái cà nhỏ của Thái Lan ăn rất đặc trưng
- Hạt điều
- 4 lá chanh Thái
- 400 ml nước cốt dừa
- Một ít tầu hũ ki khô ngâm nước rồi chiên dòn ăn cùng với cà ri
Thực hiện
Phần cà ri paste: Tất cả nguyên liệu kể trên bỏ vào cối xay cho thật nhuyễn.
Bắc chảo dầu nóng trên bếp bỏ nguyên liệu đã xay vào xào khoảng 2-3 phút. Sau đó cho nước cốt dừa vào đun thiệt nhỏ lửa. Khoảng 5-7 phút sau bỏ các phụ phẩm, rau củ đã cắt miếng vừa ăn vào đun chừng 2 phút. Nêm nếm vừa ăn.
Dùng nóng với cơm trắng nấu hơi dẻo và tầu hũ ki chiên giòn rất ngon.
Cà ri xanh có mùi lá chanh đặc trưng rất thơm. Hoàn toàn khác với cà ri vàng của Ấn Độ hay của Việt Nam. Đừng nấu các nguyên liệu quá kỹ, nấu vừa chín tới rau củ ăn có độ giòn rất ngon. Nếu bỏ khoai môn vào nên chiên sơ trước cho đỡ bị nát.
Màu của cà ri có được từ các nguyên liệu xanh, chủ yếu là từ lá ngò.
5. Som Tum – Nộm đu đủ
Nguyên liệu
- Khoảng 1 ½ cup đu đủ thái sợi nhỏ (khoảng ½ quả đủ đủ xanh nhỏ)
- ½ cup đậu đũa, bẻ miếng dài chừng 3 đốt ngón tay (ai không có đậu đũa thì dùng đậu cô-ve bình thường cũng được)
- 2 nhánh tỏi
- 2 quả ớt đỏ (Ớt của tớ khá cay nên tớ thấy thế là vừa, tới đây cả nhà có thể tự điều chỉnh theo khẩu vị cay của mình nhé)
- 1/3 cup lạc, rang sẵn bóc vỏ
- 1 quả cà chua (thường thì họ dùng cà chua bi nhưng tớ không có nên thay bằng cà chua lớn bình thường. Nếu ai có thì dùng khoảng ½ cup cà chua bi)
- 3 Tablespoon nước đường thốt nốt (Palm sugar) (Cho 1/2 cup đường thốt nốt và ¼ cup nước vào nồi đun cho đường tan thì tạo thành nước đường thốt nốt, để nguội. Ai không có đường thốt nốt dùng đường trắng cũng được)
- 3 Tablespoon nước cốt chanh tươi (nhớ giữ cả vỏ chanh lại nhé)
- 2 ½ Tablespoon mắm chay
- Dụng cụ cần có: chày và cối (mortar and pestle) (Lưu ý: Sử dụng chày và cối thì gia vị sẽ quện mà không bị băm nhỏ quá. Nếu ai không có thì có thể dùng máy xay toàn bộ các gia vị rồi mới trộn với các thành phần rau)
Thực hiện
Đầu tiên, gọt đủ đủ rồi rửa sạch. Dùng dao băm dọc theo quả đu đủ thành các đường song song như trong hình. Sau đó thái một lát mỏng là sẽ được những sợi đủ đủ thái nhỏ mà vẫn rất đều. Lưu ý: nên đặt quả đu đủ lên thớt khi bạn làm chưa quen để tránh nguy hiểm băm vào tay nhé cả nhà.
Làm sạch, chuẩn bị sẵn các nguyên liệu:
Tỏi bóc sẵn
Đậu đũa (Đậu cô-ve) bóc và rửa sách, ngắt miếng để ráo
Cà chua bổ quả cau miếng vừa ăn (Nếu dùng cà chua bi thì bổ đôi)
Lạc rang sẵn, bóc vỏ
Pha nước đường với mắm vào cùng một cái bát con
Giã Som Tum:
Đầu tiên cho ớt và tỏi vào cối, giã nhuyễn
Đổ mắm và nước đường, nước chanh vào và giã nhẹ để cho gia vị hòa quyện. Nên bỏ nguyên miếng chanh và giã cùng trong bước này vì vỏ chanh cũng có tinh dầu rất thơm.
Cho 1/3 chỗ lạc vào giã lúc này để cho tinh dầu lạc cũng thấm ra ngoài. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Nếm thì sẽ thấy rất đậm đà các vị: chua, cay, ngọt và mặn.
Lưu ý: Với hai bước đầu tiên nếu ai không có chày cối thì có thể dùng máy xay để xay các gia vị trên với nhau theo thứ tự đó. Sau đó đổ gia vị đó ra bát và trộn tay các nguyên liệu còn lại cũng được nhé.
>> Xem thêm: Món chay ngon từ cà tím
Tiếp đến cho đậu đũa (đậu cô-ve) vào giã nhẹ cho thấm gia vị.
Cho toàn bộ chỗ đu đủ xanh vào và tiếp tục dùng cối giã. Một tay giã, một tay lấy thìa vừa đảo vừa giã nhẹ nhàng cho tất cả thấm gia vị là được. Không cần giã mạnh quá sẽ nát đu đủ.
Cho cà chua vào vừa giã vừa đảo nhẹ vì cà chua rất dễ nát.
Cuối cùng cho 1/3 chỗ lạc vào giã trộn tiếp là xong. 1/3 chỗ lạc còn lại để rắc khi bày lên đĩa. Nêm nếm lại một lần nữa cho hợp khẩu vị.
Đổ ra đĩa, bỏ miếng vỏ chanh đi vì nếu để lại lúc sau vỏ chanh sẽ làm món Som Tum Thai bị đắng. Rắc lạc lên phía trên và thưởng thức.
6. Pad Thai
Nguyên liệu
- Phở khô: 150 gr
- Hành tây: 1 củ nhỏ
- Tỏi: 3 tép
- Hành hoa: 1 cụm nhỏ
- Đậu phụ rán: 3 – 4 thanh
- Giá đỗ: 1 nắm (khoảng 70gr)
- Lạc rang sẵn: 50gr
- Chanh: 1 – 2 quả
- Sốt me: 1,5 thìa canh
- Xì dầu: 3 -4 thìa canh
- Đường thốt nốt: 2 thìa canh
Nếu dùng phở tươi, bạn tăng lượng phở lên gấp rưỡi phở khô hoặc tùy sở thích.
Mua các loại gia vị, đường thốt nốt tại cửa hàng tạp hóa, siêu thị.
Có thể bổ sung thêm các loại rau củ như: nấm, cà rốt … vào món Pad Thái chay nếu thích.
Thực hiện
Ngâm phở với nước ấm trong 30 phút rồi vớt ra để ráo. Nếu dùng phở tươi, bạn chần phở với nước sôi rồi nhúng qua nước lạnh để khi xào phở đỡ nát.
Bóc vỏ, rửa sạch hành tây, tỏi. Thái hành tây thành miếng nhỏ, băm nhuyễn tỏi.
Đậu phụ thái miếng nhỏ vừa ăn, hành hoa cắt rễ, rửa sạch thái khúc 3cm.
Lạc rang cho vào cối, giã qua để lạc tách đôi hoặc vỡ nhỏ vừa là được.
Phi thơm tỏi trên chảo dầu nóng, cho hành tây vào xào sơ.
Cho đậu vào xào đến khi hành tây gần chín tới thì rưới các loại sốt me, xì dầu, đường thốt nốt vào, đảo đều tay.
Khi các gia vị đã tan hết, bạn bỏ phở vào xào tiếp. Nhớ đảo thật đều tay để phở ngấm gia vị, thêm nước nếu cần.
Cho giá đỗ và hành vào đảo khoảng 2 – 3 phút để giá chín tới rồi tắt bếp.
Cho Pad Thái ra đĩa, rắc lạc rang lên trên, có thể trang trí bằng rau mùi tây. Khi ăn, vắt nước chanh vào đĩa, trộn đều rồi thưởng thức khi còn nóng hổi.
7. Khao Pad – Cơm chiên Thái
Nguyên liệu
- Cơm 2 chén
- Thơm 1/2 trái
- Hành tây 1 củ
- Nước cốt cam 60 ml
- Đường trắng 1/2 muỗng cà phê
- Nước tương 1 muỗng canh
- Dầu ăn 4 muỗng canh
- Tỏi băm 1 muỗng cà phê
- Hạt nêm chay 1 muỗng cà phê
Thực hiện
Thơm gọt vỏ, bỏ mắt, cắt nhỏ. Hành tây bóc vỏ, cắt hạt lựu.
Làm nóng 2 muỗng canh dầu ăn. Cho cơm vào, đảo đều cho cơm khô lại.
Phi thơm tỏi băm với 2 muỗng canh dầu ăn. Cho lần lượt hành tây, thơm, 60ml nước cốt cam vào, đảo đều 2 phút.
Cuối cùng, cho hỗn hợp thơm, hành tây vào chảo cơm, đảo đều. Nêm gia vị 1/2 muỗng cà phê đường trắng, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng cà phê hạt nêm chay, đảo đều thêm 3 phút.
>> Đặt mua: Ruốc nấm Truyền thống
Cho món ăn ra đĩa, trang trí tùy thích và thưởng thức.
8. Khao Nia Ma Muang – Xôi Xoài
Nguyên liệu
- Gạo nếp Thái: 1 chén
- Nước cốt dừa: 1 lon
- Xoài chín: 2 trái
- Vừng rang
- Bột bắp (hoặc bột sắn): ½ muỗng café
- Muối, đường trắng
Thực hiện
Vo gạo cho sạch bụi bẩn rồi ngâm trong nước ít nhất là một tiếng hoặc cho đến khi phần gạo nở mềm là được, vớt ra, vẩy cho ráo nước. Cho phần gạo nếp vào chõ, cho nước vào ngập ½ nồi bên dưới, đậy nắp và bật lửa vừa để hấp khoảng 20 phút.
Lưu ý: trong lúc hấp xôi thì thi thoảng mở nắp, đảo xôi đều để nếp chín đều trên dưới, bạn lau bớt nước trên phần nắp để tránh làm xôi bị nhão. Trước khi hấp, bạn có thể cho vào xôi chút xíu dấu ăn để xôi thành phẩm bóng, đẹp.
Trong thời gian chờ xôi chín thì bạn bắc nồi mới cho nước cốt dừa vào (chừa lại khoảng ¼ lon), cho thêm vào khoảng nữa muỗng café đường và chút xíu muối, khuấy đều cho đường tan hết, hỗn hợp âm ấm là được.
Bạn gọt xoài, cắt thành những miếng vừa ăn. Nhưng khuyến khích các bạn cắt khối vuông thì sẽ ngon hơn đấy.
Khi xôi chín, bạn cho xôi ra dĩa rồi cho phần nước cốt dừa vào và trộn đều từ dưới lên.
Lưu ý: lượng nước cốt dừa cho vào vừa phải, nếu nhiều quá dễ làm xôi bị bở, ngấy và để yên trong khoảng 15 phút.
Trong lúc xôi đang ngấm nước cốt dừa thì bạn lấy phần nước cốt dừa chừa lại ban nãy cũng hòa với chút và đường. Lấy phần bột bắp đã chuẩn bị hòa tan với khoảng 1,5 muỗng canh nước rồi cho vào hỗn hợp nước cốt dừa vừa pha, bắc lên bếp đun lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp sánh lại là được. Phần nước cốt dừa này bạn sẽ dùng để chan lên bề mặt xôi thành phẩm.
Múc xôi ra chén, cho những miếng xoài lên bên trên và chan nước cốt dừa đã pha ở bước 5 và rắc chút vừng rang là hoàn tất món xôi xoài Thái Lan.
9. Roti kluai khai – Bánh chuối Thái
Nguyên liệu
- Chuối 5 trái
- Bột mì 2 chén
- Muối 1/4 muỗng cà phê
- Đường trắng 1 muỗng canh
- Sữa đặc 40 gr
- Trứng gà 4 quả
- Bơ 20 gr
- Dầu ăn 50 ml
Thực hiện
Chuẩn bị nguyên liệu cho bánh chuối. Cho 1/2 chén nước vào tô, đập 1 quả trứng vào chén, sau đó thêm 40gr sữa đặc, 1/4 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh đường vào cùng. Đánh tan hỗn hợp với nhau.
Bột mì rây qua rây vào một cái thau inox, tiếp đến đổ hỗn hợp trứng nước vào bột mì. Dùng phới trộn đều bột bánh chuối.
Sau đó cho một ít bột khô ra mặt bàn sạch, đổ bột trong thau đang còn dính ra bàn. Dùng tay nhồi bột đến khi không còn dính tay thì lấy màng bọc thực phẩm bọc lại, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút để bột bánh chuối nở.
Trong thời gian chờ bột nở thì bóc vỏ chuối, cắt lát tròn mỏng. Đập 3 quả trứng gà còn lại vào tô, đánh tan rồi cho chuối vừa cắt vào trộn đều lên.
>> Đặt mua: Muối lạc HAPI
Sau khoảng 30 phút lấy bột bánh chuối ra, chia thành nhiều phần bột nhỏ rồi dùng cán cán mỏng từng miếng bột.
Cho 1 ít dầu ăn vào chảo, tiếp theo cho miếng bột vừa cán mỏng vào. Bật bếp ở lửa nhỏ, tiếp theo cho hỗn hợp chuối trứng vào giữa miếng bột. Dùng phới xếp 4 góc miếng bột lại thành hình vuông. Chiên vàng mặt dưới thì lật mặt lại chiên vàng đều.
Khi chiên bánh chuối Thái Lan, nhớ bỏ thêm một ít bơ vào chảo dầu để bánh chuối có mùi thơm nhé!
Vậy là hoàn thành món bánh chuối, 1 món ăn Thái Lan rồi!
10. Khanom Tom – Bánh nếp viên bọc dừa Thái
Nguyên liệu
- Bột nếp
- Đường trắng
- Đường thốt nốt
- Dừa nạo tươi
Thực hiện
Ở một tô lớn, trộn bột nếp, đường trắng và một phần dừa nạo, thêm nước ấm và nhào bột đều tay. Bạn có thể thêm nước cốt lá dứa, nước hoa đậu biếc, … để tạo màu sắc cho bánh.
Sêm một phần dừa nạo với đường thốt nốt. Sêm đến khi đường tan hết ta được hỗn hợp nhân hơi sệt, múc ra bát, để nguội.
Chia phần bột bánh thành các phần bằng nhau, thêm nhân và viên thành các viên bánh tròn đều cho đến hết.
Đun một nồi nước sôi rồi thả bánh vào luộc chín, cách luộc cũng giống với bánh trôi của Việt Nam. Khi bánh nổi lên thì bạn vớt ra, thả vào tô nước lạnh cho nguội.
Khi bánh đã nguội, bạn lăn từng viên bánh qua dừa nạo để dừa bám đều quanh bánh.
Vậy là bạn đã hoàn thành món Khanom Tom hấp dẫn này rồi.
Thái Lan được mạnh danh là thiên đường ẩm thực châu Á. Trên đây chỉ là một số món tiêu biểu, còn rất rất nhiều những món ăn hấp dẫn khác mà HAPI chưa thể giới thiệu hết được.
Chúc bạn thực hiện thành công những món ăn Thái Lan này!